Biết ơn, trả ơn mới là con Phật!

Thứ năm - 05/01/2017 06:13
Đạo Phật được xem là đạo tri ân – báo ân. Nhận xét đó không phải xuất từ cảm tính, mà từ chính những lời dạy của Đức Phật.
Chua Han Son Biet on tra on


Trong rất nhiều bộ kinh, Nam lẫn Bắc truyền, chúng ta dễ dàng nhận thấy Đức Phật, trực tiếp hay gián tiếp, dạy về pháp hạnh ấy. Ngoài những câu chuyện tiền thân trong Tiểu bộ và những bộ “hiếu kinh” của Phật giáo như: kinh Vu lan, kinh Báo ân cha mẹ, kinh Địa Tạng, thì nhiều phẩm trong kinh Pháp hoa, kinh Đại Bảo tích, và đặc biệt kinh Tâm địa quán… đều nhắc đến công ơn cao cả của các đấng sinh thành.

Sở dĩ hạnh tri ân – báo ân trong kinh Tâm địa quán được xem “đặc biệt” bởi bộ kinh này vốn được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lúc ở núi Kỳ-xà-quật, đã nói cho các vị Đại Bồ-tát như Văn Thù Sư Lợi, Di Lặc… nghe về việc người xuất gia ở nơi an tịnh phải quán xét tâm địa như thế nào để diệt vọng tưởng mà thành Phật đạo. Ngay sau phẩm Tựa của bộ kinh gồm 13 phẩm này là phẩm Báo ân, cụ thể báo Tứ trọng ân, trong đó ân cha mẹ được đặt lên hàng đầu. Như vậy rõ thấy, tri ân – báo ân không chỉ là hạnh (đức hạnh) mà còn là pháp tu (pháp hạnh) của người xuất gia lẫn tại gia.

Tri ân – báo ân là một trong những “tâm địa pháp môn” của chư Phật, là ân của “thế gian và xuất thế gian”. Rằng, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào nghe được diệu pháp tâm địa ấy qua tai một lần, trong khoảng chốc lát, họ nhiếp niệm quán tâm được, là họ huân thành hạt giống Đại Bồ-đề vô thượng, không bao lâu nữa sẽ ngồi trên tòa báu kim cương, nơi cây bồ-đề, được thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

So với kinh Vu lan và kinh Báo ân cha mẹ, phẩm Báo ân trong Tâm địa quán nói về công ơn của các đấng sinh thành cô đọng hơn nhưng lại hết sức sâu sắc, chấn động. Phật dạy: Cha có “từ ân”, mẹ có “bi-ân”. Ơn từ phụ cao hơn núi lớn; ơn bi mẫu sâu hơn bể cả; thế gian, đại địa gọi là nặng, ơn bi mẫu xét còn nặng hơn… Nếu Phật ở đời trong một kiếp để nói về ơn ấy cũng không thể hết được! Ngài ví: cái khổ sinh sản mà mẹ phải chịu cũng giống như bị bao mũi nhọn dao sắc thi nhau hành hạ. Thế nhưng, khi nghe được tiếng khóc đầu đời của con phát ra, thì mẹ nghe như tiếng nhạc, vực mẹ tỉnh lại sau bao đau đớn tưởng chừng không sống nổi. Và rồi bụng mẹ là nệm ấm êm, chân mẹ là nơi con giỡn đùa, ngực mẹ tuôn nguồn sữa cam lồ nuôi con khôn lớn. Con chính là báu vật của mẹ: như nghèo được ngọc mừng khôn tả; đoái nhìn mặt con không biết chán; tâm thương nhớ con không tạm xả.

Tâm địa quán khẳng định: người chí tâm cúng dường Phật có phước ngang với người tinh cần tu hiếu dưỡng, ngoài ra không có phước cúng dường nào khác có thể sánh bằng. Người con hiếu, Phật dạy, là người được chư thiên cùng nhau hộ trì cả ngày lẫn đêm, vì đó chính là dòng giống cao sang ở trên chư thiên và trong nhân loại. Ngược lại, những kẻ bất hiếu khiến mẹ giận dữ, oán than, thì khi chết sẽ lập tức bị sa vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh nhanh như gió dữ, dù với thần lực của chư Phật cũng không thể cứu được.

Tuy vậy, việc hiếu dưỡng thông thường dù mang lại phước báu song không thể đáp đền công ơn sanh thành dưỡng dục. Chỉ những ai phát khởi tâm Vô thượng Đại Bồ-đề, khuyên cha mẹ cùng phát tâm ấy mới có thể báo được ân sâu, gọi là Chân thật Ba-la-mật.

Mùa Vu lan Báo hiếu đã về, chúng ta tự hỏi xem mình đã làm được gì để báo ân cha mẹ, đã thực xứng là người con Phật hay chưa?

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây