Giá trị của đồng tiền theo quan điểm của Phật giáo

Thứ bảy - 11/03/2017 16:08
Để được sống yêu thương và hiểu biết, ngoài việc vun bồi hạnh phúc lứa đôi còn có tình yêu thương nhân loại. Tiền bạc, tài sản cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người. Vì vậy, theo tuệ giác của Thế tôn, người tại gia có quyền làm giàu để nâng cao sự sống và có cơ hội đóng góp, phục vụ cho gia đình và xã hội. Phật chỉ dạy cách thức cho mọi người và phương pháp làm ra tiền bạc, của cải mà không làm tổn hại cho ai.
Chua Han Son gia tri cua dong tien theo quan diem phat giao


Một đời sống có ý nghĩa và giá trị là một đời sống không quá lệ thuộc vào phương tiện vật chất nhưng không thể không có tiền bạc và tài sản, vì nó là phương tiện để nuôi sống bản thân. Để đảm bảo một đời sống tốt đẹp, hài hòa, Phật dạy người cư sĩ có quyền tạo ra tiền bạc, tài sản một cách chính đáng, nghĩa là từ sự tinh cần, siêng năng bằng đôi tay và khối óc của mình để tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội. Tuy nhiên, sự giàu có về vật chất chỉ đáp ứng nhu cầu đầy đủ, sung túc cho con người.

Hạnh phúc thật sự trong cuộc sống không phải có nhiều tài sản, tiền bạc, quyền uy thế lực, nhà cao cửa rộng mà chính là sự tự do, không bị ràng buộc bởi tham lam, sân hận, si mê, thù ghét. Đó là một thứ hạnh phúc chân thật, lâu dài mà tiền bạc không thể mua bán, đổi chát được. Do đó, ngoài việc sung mãn vật chất để ta có cơ hội đóng góp cho đời, chúng ta cần phải thăng hoa đời sống tinh thần, phát huy con người tâm linh nên thường sống trong chánh niệm tỉnh giác, mở rộng tấm lòng từ bi, thương xót muôn loài. Nhờ vậy, chúng ta biết vun bồi, xây dựng tài sản tâm linh nên các tâm tư mê muội không có cơ hội xen vào như toan tính hơn thua, tranh chấp, hận thù, tàn sát, giết hại lẫn nhau mà làm tổn thương nhân loại.

Xã hội ngày nay trên đà tiến bộ văn minh của con người, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ nên tiền bạc và tài sản là núm ruột của con người, nó không thể thiếu trong đời sống hiện tại. Tiền bạc, của cải có thể giúp ta giải quyết nhiều thứ trong cuộc đời, nên điều đầu tiên ai muốn bảo tồn sự sống là cần phải có tiền; nhưng khi có tiền bạc, của cải ta phải biết sử dụng thế nào cho hợp lý. Một người công dân muốn sống an vui, hạnh phúc thì phải biết sử dụng 4 yếu tố căn bản sau đây:

- Có công ăn việc làm ổn định để nuôi sống bản thân và luôn thường xuyên trau dồi công việc được tốt đẹp.

- Tiền bạc làm ra bằng nghề nghiệp chân chánh phải biết cách giữ gìn không để thất thoát.

- Phải biết chi tiêu cân đối, hài hòa, không nên hoang phí quá mức để tiền làm ra ít mà muốn xài nhiều, hoặc tiền làm ra nhiều mà không dám xài vào việc có ích thành ra bỏn sẻn.

- Tiền bạc và tài sản là phương tiện để con người sinh sống, phục vụ cho cá nhân có nhu cầu ăn, mặc, ở hằng ngày. Muốn vậy, trước hết ta phải có một việc làm ổn định về lâu về dài, nhưng nghề nghiệp mình chọn không được làm tổn hại cho nhân loại. Các nghề nên tránh như mua bán vũ khí, nô lệ, phụ nữ, các chất gây say, gây nghiện như rượu, xì ke, ma túy, chế tạo thuốc độc hoặc trực tiếp sát sanh… Kinh doanh mua bán là một trong những nghề nghiệp đem lại kinh tế cao, nhưng chúng ta phải biết tránh những nghề trên, vì nó làm tổn hại cho người và vật, gây khổ đau trong hiện tại và mai sau.

Mua bán có thể làm giàu nhanh chóng và cũng dễ dàng nhận lấy hậu quả thất bại vì sự cạnh tranh quyết liệt của kinh tế thị trường, chỉ cần chậm trễ một chút là có thể tán gia bại sản. Nếu chúng ta biết nắm bắt kịp thời thì có thể giàu lên trong chốc lát. Trên đời này không có gì mau giàu bằng mua bán và cũng dễ dàng trắng tay nếu không phù hợp với thị hiếu của con người.

Có hai nhà kinh doanh đối diện nhau cùng bán một sản phẩm nên hai bên muốn cạnh tranh phát triển và mở mang để thu hút khách hàng. Nhà ông A có lợi thế hơn là có mặt bằng một trệt, hai lầu. Nhà ông B chỉ có một trệt, một lầu nên lượng khách ít hơn. Chính vì muốn lượng khách của mình nhiều hơn nên ông B đã xây mới lại với ba lầu, một trệt và thi công có tính toán đàng hoàng. Gia đình ông A tức quá mới kêu thợ xây thêm hai tầng nữa nhưng không đổ móng thêm. Kết quả thật thảm thương! Căn nhà mới bốn tầng, một trệt bị sập đè lên nhà ông B. Cuối cùng, hai bên đều bị thiệt hại nặng nề. Vì lòng tham mà con người ta có thể nhẫn tâm làm tổn hại cho nhau; nên để có tiền nhanh chóng, một số người đã tán tận lương tâm làm ăn phi pháp như mua bán vũ khí, mua bán phụ nữ, mua bán xì ke, ma túy vì lợi nhuận quá cao, tạo ra nhiều băng nhóm tội phạm gây hiểm họa cho loài người, dẫn đến sự thiệt hại lớn lao cho nhân loại.

Người Phật tử chân chánh vì lòng từ bi thương xót chúng sinh nên không được kinh doanh, mua bán các loại chết người đó. Tiền bạc tài sản nếu sử dụng không đúng mục đích thì trở thành rắn độc, nhưng thiếu nó lấy gì để ta sống mà dấn thân phục vụ, hoằng pháp lợi sinh.

Mục đích của cuộc sống không phải là giàu có, nhiều tiền của mới là hạnh phúc, mà chúng ta phải biết hài lòng với hiện tại, không nên đứng núi này trong núi nọ, hoặc đua đòi bắt chước làm bằng người trong khi ta không có điều kiện và khả năng. Có nhiều người vì sĩ diện bản ngã muốn chứng tỏ đẳng cấp bằng người hoặc hơn người, nên vay nợ xây dựng nhà cửa khang trang dù nhu cầu không cần thiết, do đó lún sâu vào nợ nần, dẫn đến tán gia bại sản bởi họ không biết bằng lòng với hiện tại.

Đa số chúng ta ai cũng nghĩ có thật nhiều tiền bạc và của cải là hạnh phúc, đó là điều lầm lẫn quá lớn của nhân loại, nên khi có quyền lực trong tay thì tìm cách vơ vét, gom góp về cho riêng mình, nhưng tiền bạc làm ra từ sự phi pháp rất khó mà tồn tại. Khi có nhiều tiền thì phải hưởng thụ, vui chơi trác táng, dễ dẫn đến sa đọa làm mình và người khổ đau, làm mất hạnh phúc gia đình và tác hại xấu đến xã hội.

Tiền làm ra không bằng mồ hôi, nước mắt của chính mình thường bị năm nhà cuốn trôi. Nhà lũ lụt, nhà hỏa hoạn, nhà trộm cướp, nhà vua quan tịch thâu, nhà con cái bất hiếu, phá sản và các tai nạn bất ngờ khác. Thường con người hay nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nếu chúng ta chi ra một số tiền nhỏ vào một việc có ích nhưng vẫn xót xa, đau lòng vì ta chưa biết mở rộng tấm lòng nhân ái. Nếu dè sẻn, không dám chi tiền vào việc có ích, ta sẽ trở thành con ma ích kỷ, tham lam, lâu ngày ta bị đồng tiền sai sử không dám chi tiêu vào việc cần thiết.

Tiền bạc chính là người đầy tớ tốt khi ta biết làm chủ đồng tiền, sử dụng vào việc chi tiêu hằng ngày tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân và gia đình, biết san sẻ, mở rộng tấm lòng nhân ái để giúp ích cho mọi người khi cần thiết; nhưng có nhiều người bị sức mạnh của đồng tiền chi phối, nên nhẫn tâm làm các điều tội lỗi để mưu cầu lợi ích cho cá nhân mình.

Sức mạnh của đồng tiền thật ghê gớm, nó có thể làm cho con người say mê, điên đảo, nên tục ngữ có câu “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, và người ta quan niệm rằng “có tiền mua tiên cũng được”;  nhưng có phải vậy không? Người có tiền nếu biết sử dụng đúng cách vẫn đỡ hơn người không có tiền, như khi có bệnh hoặc giải quyết một số vấn đề cấp thiết. Nếu nói theo kiểu “có tiền mua tiên cũng được” thì e rằng không hợp lý chút nào. Người có tiền có bệnh không, có già không, có chết không? Nếu có thì phải có khổ. Tuy nhiên, người có tiền, có phước vẫn đỡ hơn người nghèo khó, bất hạnh ở chỗ sung túc, đầy đủ về vật chất; nhưng nếu thiếu con người tâm linh thì họ thật sự không có hạnh phúc lâu dài; chính vì thế mà ta vẫn thấy người giàu họ tự tử quá nhiều; vì đâu nên nông nổi như vậy? Do đó, giàu hay nghèo đều phải biết tu tâm dưỡng tánh thì bất hạnh, khổ đau được biến thành an vui, hạnh phúc; và biết chia vui, sớt khổ, chan hòa cùng mọi người.

Tiền bạc nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện để trao đổi hài hòa các nhu cầu cần thiết trong xã hội. Nếu ta không biết dùng tiền đúng chỗ, đúng nơi, hoang phí một cách vô bổ để phục vụ cho cá nhân và cộng đồng xã hội thì tiền bạc đó trở thành vô nghĩa. Tiền bạc làm ra mục đích để cải thiện đời sống cho chính mình, đem đến an vui cho cha mẹ và vợ con sung túc, đủ đầy về vật chất, tạo dựng hạnh phúc gia đình cơm no áo ấm và còn chia vui, sớt khổ đến với nhân loại. Chính vì thế, đồng tiền làm ra phải chân chánh, nếu không thì vô cửa trước lòn cửa sau; hoặc có mà không đóng góp vào việc lợi ích cho mọi người nên dù có cũng như không.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây