Chùa Hàn Sơn I Thần phù Chính Đại I Nga Điền I Nga Sơn

https://www.chuahanson.com:443


Danh nhân Tam khôi – Thám hoa Mai Anh Tuấn

Theo sách Quốc triều khoa bảng lục của cụ Cao Xuân Dục, một viên quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn ghi lại tên họ, quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ các khoa thi Đình từ khoa năm Nhâm Ngọ đời vua Minh Mạng thứ ba, năm 1822 đến khoa cuối cùng năm Kỷ Mùi đời vua Khải Định thứ bốn, năm 1919 thì Mai Anh Tuấn là người đỗ đầu Thám hoa năm 1843. Như thế là kể từ khi nhà Nguyễn mở thi Đình, năm Quý Mão – 1822, ông là người đầu tiên đỗ Đình nguyên Thám hoa, kể cũng là người khai khoa Tam khôi của triều Nguyễn.

Đôi nét về dòng họ Mai

Mai Anh Tuấn tên thật là Mai Thế Tuấn, sinh năm Ất Hợi (1815- 1851), nguyên quán Thanh Giản, Nga Sơn, Thanh Hóa, nhưng ông lại sinh tại thôn Hoàng Cầu, giáp Đông Các, huyện Vĩnh Thuận- Hà Nội (nay là Ô Chợ Dừa- Đống Đa). Cụ thân sinh ra ông là Mai Thế Trinh, tri huyện Thanh Trì và bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào. Như vậy có thể nói sinh quán của Thám hoa Mai Anh Tuấn là ở Hà Nội, còn nguyên quán mới ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Cụ tổ bốn đời của Thám hoa Mai Anh Tuấn là Tiến sĩ Mai Thế Chuẩn, cũng là một văn thần xuất thân khoa bảng mà trở thành võ tướng bảo vệ Tổ quốc.

Cong vao den tho Tham hoa Mai Anh Tuan


Đền thờ  Danh nhân Tam khôi – Thám hoa Mai Anh Tuấn

Gia phả tại nhà thờ họ Mai ở Nga Sơn, Thanh Hóa.

Trước đó, tại làng Hậu Trạch, xã Nga Thạch, quê hương Thám hoa Mai Anh Tuấn, chỉ tính riêng thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789), dòng họ Mai ở đây có tới 31 người đỗ đạt cao và làm quan lớn trong triều đình, có nhiều công trạng được ghi danh vào sử sách. Trước đó, vào thời Lê sơ và thời Lý, Mai Thế Hùng (940), sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nga Thạch chuyên nghề đánh bắt tôm cá, cấy lúa, trồng khoai. Năm 980, ông đầu quân theo Lê Hoàn, lập được nhiều công trạng, được phong Đô đốc thủy binh. Đến thời Lý Công Uẩn được phong Ý Quận công. Cháu nội của ông là Mai Thế Nam cũng được vua Lý phong tước Quận công, phiêu kỵ đạo Tướng quân. Đến thời Trần, Mai Thế Phụ đã được Trần Thánh Tông phong chức Hướng đạo tiên phong theo đường biển vào miền Trung đánh quân Chiêm Thành. Thời kỳ hậu Lê, Mai Thế Châu là vị tướng chỉ huy của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh (1418- 1427). Ông đã anh dũng hy sinh trong trận thủy chiến ở Bộc Giang, thuộc sông Gâm, tỉnh Tuyên Quang và được vua Lê sắc phong “Thái bảo đề đốc toàn quân công” và tước Quốc công, ghi tên bảng vàng. Do tài thao lược của cụ mà có lần vua Lê phải thốt lên rằng: Tứ trụ có 4 ông, thì họ Mai làng Thạch Tuyền (Hậu Trạch) đã chiếm mất 3, còn một ông sao không chiếm nốt. Bà chúa Mai Thị Ngọc Tiến, vợ Trịnh Cối đã được chúa Trịnh phong sắc Chiêu nghi Tiên Dung công chúa, thượng đẳng thần, đã cùng cháu ngoại Mai Thế Xứng giúp vua phá tan được âm mưu cướp ngôi vua, nên đã được vua phong chức Điện tiền đô sát và gả công chúa họ Trịnh cho Mai Thế Xứng.

Hiện nay gia phả họ Mai ở làng Hậu Trạch còn lưu giữ chép lại, từ thời vua Hùng Vương thứ 6, có một người tên là Mai Yển, hiệu An Tiêm nguyên là một viên quan ta trong triều, do có nhiều công trạng nên được nhà vua rất yêu mến và gả con gái cho. Cứ mỗi lần có lễ trọng, vua đều ban quà cho phò mã. Thay vì cảm ơn vua cha thì Mai Yển lại nói: “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Bị bọn nịnh thần xúi bẩy, nhà vua bực tức bèn ra lệnh bắt Mai Yển cùng vợ con đày ra đảo hoang.

Thám hoa Mai Anh Tuấn

Thuở nhỏ, Mai Thế Tuấn đã tỏ ra thông minh, láu lỉnh hơn người. Ông rất ham học, miệt mài kinh sử, nhiều hôm vì mải đọc sách mà quên cả bữa ăn. Năm 16 tuổi, ông đi thi hương. Vì bài làm xuất sắc, khiến quan trường phê là “vượt ngoài sông núi”, nên bị loại. Ông liền làm đơn khiếu nại, nhà vua cho chấm lại, bài thi đạt cao nhất khóa thi.

Ông tiếp tục “dùi mài kinh sử”, quyết chí đỗ đầu trong các kỳ thi tới. Khóa sau, ông không thi ở trường Nam Định mà vào thi ở Nghệ An. Lần này, bài làm xuất sắc, nên ông đỗ thủ khoa tú tài. Đến kỳ thi hội, ông lại đỗ đầu khoa cử nhân. Năm Quý Mão (1843), trong kỳ đình ông lại đỗ thủ khoa, được chọn vào bậc Thám hoa.

Cổng vào đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn.

Theo sách sách Đại Nam nhất thống chí: “Mai Thế Tuấn là người đỗ đệ nhất giáp đầu tiên của bản triều”. Ông được vua Thiệu Trị khen: Trẫm biết bài văn của Mai Thế Tuấn hơn hẳn các bài của Tiến sĩ khoa này và nhiều khoa trước và phong cho ông danh hiệu “Tam khôi” (ba lần đỗ thủ khoa). Sau đó nhà vua còn cho ông đổi tên Thế Tuấn thành Anh Tuấn để ghi nhận tài năng, đức độ của ông.

Mai Thế Tuấn được bổ làm quan trong triều, trải qua các chức Hàn lân viện trước tác, Thị độc học sĩ, Án sát tỉnh Lạng Sơn. Dù ở cương vị nào, ông đều tỏ rõ đức tính khảng khái, thanh liêm, có khí tiết, giàu lòng nhân đạo, thương những người nghèo khó. Nhiều lần ông đã dâng sớ đề nghị triều đình làm những điều phúc thiện cho dân lành.

Năm 1851, quân nhà Thanh tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên, tiến sâu vào tận Lạng Sơn, khi ấy Mai Anh Tuấn đang giữ chức Án sát tỉnh Lạng Sơn. Ông cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lớn. Rồi không may, ông Đạc bị thương, tiền quân ở thế bất lợi. Mai Anh Tuấn đem quân tiếp cứu nhưng gặp địa hình hiểm trở, cả ông và Nguyễn Đạc đều hy sinh.

Nghe tin ông mất, vua Tự Đức thương tiếc, lệnh cho đem thi hài về an táng tại Hoàng Cầu. Triều đình, trí thức, nhân dân Thịnh Hào vô cùng xúc động. Bài văn tế do Khâm sai đại thần Nguyễn Đăng Giai đọc trong lễ an táng có đoạn: Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡ người thân, đó là Hiếu. Ở Nội các, làm kháng sớ, xúc phạm kỵ húy, đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh, đó là Nghĩa. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn, đánh kẻ địch mạnh mà không sợ, đó là Dũng. Ôi! Vùng biên có biến động, giặc cường bạo kiêu căng, một mình cầm quân đánh giặc để giúp bạn, đem cái chết để báo đền Tổ quốc. Thật là Hiếu, Trung, Nghĩa, Dũng muôn thuở nêu cao.

Theo lệnh của nhà vua, hai tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa lập đền thờ ông. Dân vùng Hoàng Cầu xây miếu thờ ngay nơi có phần mộ. Ông được vua nhà Nguyễn phong tặng Hàn lâm viện trực học sĩ, liệt thờ ở đền Trung Nghĩa (Huế). Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại làng Hoàng Cầu, được dân làng, con cháu hương khói từ hơn 150 năm nay. Đây là di tích về một nhân vật lịch sử đáng trân trọng, là nơi ghi nhớ một vị quan cương trực dám đấu tranh vì lẽ phải, quên mình vì Tổ quốc. Nay phần mộ của ông cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền để thể hiện lòng biết ơn một nhân vật đã góp phần làm nên bề dày truyền thống nghìn năm Thăng Long.

Cuối năm 2006, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội Sử học Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học về Thám hoa Mai Anh Tuấn- một anh hùng liệt sĩ, danh nhân văn hóa đáng kính vốn sinh trưởng tại quận Đống Đa- Hà Nội. Thám hoa Mai Anh Tuấn và dòng họ Mai đã góp phần làm rạng rỡ non sông đất Việt và thủ đô Thăng Long – Hà Nội sắp tròn 1000 năm tuổi.

Hiện tên Thám hoa Mai Anh Tuấn còn được khắc trên bia đặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho muôn đời sau noi theo. Đền thờ ông ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991.

Theo
http://suckhoedoisong.vn/

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây