Chùa Hàn Sơn I Thần phù Chính Đại I Nga Điền I Nga Sơn

https://www.chuahanson.com:443


Tình cha cao như núi...

Đó không chỉ là câu ví von trong ca dao mà giữa đời thực, thi thoảng chúng ta lại được “ôn lại” cái tình cao vời vợi đó với những câu chuyện cảm động lòng người...

Cha xăm đầu như con

Câu chuyện được kể trên CTVNews ngày 22-6 vừa qua, cho biết, sau ca phẫu thuật ung thư não, cậu bé Gabriel, 8 tuổi, bị một vệt sẹo dài trên đầu. Để cổ vũ con, ông bố Josh Marshall đã cạo đầu và xăm hình giống hệt vết sẹo của con.
 

533.jpg

Bức ảnh hai cha con với quả đầu sẹo giống nhau đoạt giải nhất cuộc thi "Best Bald Dad" 


Ông bố tuyệt vời Marshall nói với báo chí rằng, anh thấy sau ca phẫu thuật, cậu con trai 8 tuổi trở nên dè dặt khi gặp người khác. Anh cũng nhận ra lý do là vết sẹo dài trên đầu cậu bé. Vì thế, để cổ vũ con và giúp con lấy lại tự tin, Josh Marshall đã đi cạo trọc đầu rồi xăm hình vết sẹo y như của con.

“Tôi làm thế để khi có người nhìn chằm chằm vào Gabriel, họ cũng sẽ nhìn chằm chằm vào tôi”, người bố trẻ nói. Josh Marshall cũng chụp hình hai cha con với quả đầu giống nhau và gửi đến cuộc thi “Best Bald Dad” (tạm dịch: ông bố đầu trọc tuyệt nhất thế giới) do một quỹ ủng hộ trẻ em ung thư của Mỹ tổ chức. Bức ảnh được hơn 5.000 lượt thích và giành giải cao nhất cuộc thi.

Mải miết tìm con

Người cha được truyền thông nhắc đến nhiều đó chính là người đàn ông khốn khổ đi tìm con - Lương Thế Huynh (44 tuổi, xã Tà Nung, Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Câu chuyện của anh Huynh được thuật lại trên Tuổi Trẻ như sau: Theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, ngày 21-6-2015 anh Huynh đưa con trai út Lương Thế Vương về nhà cũ của gia đình nằm trong một rẫy cà-phê cách nhà mới khoảng một cây số. Do cần đi ra vườn, anh Huynh để Vương tự chơi một mình trong nhà.

Lúc này, cổng và cửa nhà vẫn mở nhưng tầm nhìn bị khuất. 5 phút sau, anh nghe tiếng Vương gọi “bố ơi, bố ơi”. Nghĩ là mình đi lâu con gọi làm nũng nên anh chưa vào ngay mà làm cho xong việc. Chỉ một lát sau, tiếng con thét lên: “Bố ơi, cứu con với”. Anh bỏ chậu cám đang cho cá ăn chạy vào thì không thấy con đâu.

Tiếng gọi tuyệt vọng của con ám ảnh anh Huynh suốt những ngày đi tìm con. Nhắc đến đó, nước mắt ậc ra trên khuôn mặt người đàn ông héo sọm sau nhiều tháng tất tả tìm con. “Nếu mình vào sớm hơn thì giờ này mình đang ôm con ở nhà rồi, trời ơi, nếu...” - anh Huynh thảng thốt chia sẻ với PV.

Ngay hôm đó cho đến hai tháng sau, cơ quan điều tra và người trong gia đình quần nát cả cánh rừng thông và cà-phê ở khu vực Tà Nung nhưng không cho thấy một kết quả nào. Cơ quan chức năng tuyên bố vẫn tiếp tục tìm kiếm nhưng sự thương con không cho phép anh Huynh ở nhà chờ đợi. Trong cảnh túng quẫn, vợ anh - chị Lê Thị Yến, tháo chiếc nhẫn cưới và sợi dây chuyền hộ thân bán dồn tiền đưa anh lên đường đi tìm con.

ANH Tình cha

Anh Lương Thế Huynh miệt mài đi tìm con bị bắt cóc.
Câu chuyện của anh khuyến nhiều người rơi nước mắt 


Trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-1-2016, chuyện tìm con của anh Huynh được viết với sự xúc động, nghẹn ngào: Thấy cảnh anh lặn lội, nhiều người thương xót, nói “mò kim đáy bể biết chừng nào ra”. Anh chỉ lặng thinh và đi tiếp, chở tấm biển đến khắp các chợ, bến xe. Nơi đâu xe đến, nơi ấy người dân xúm lại quan tâm hỏi han, lấy điện thoại lưu lại thông tin.

Anh Huynh tâm sự: “Biết là mò kim đáy bể nhưng mình cứ mò đi, làm tung tóe nước lên thì kim cũng lòi ra. Con mình mà, nếu nhỏ hơn cả cây kim ngoài biển cũng phải tìm”. Đến nay, người cha với khuôn mặt hốc hác nằm trên ghế đá, chân gác lên chiếc xe máy cũ nát có gắn hai tấm bảng “tìm con bị bắt cóc” vẫn còn tìm con trong niềm hy vọng nhen nhúm giữa biển người mênh mông.

Nghĩ về tình cha

Nếu không yêu con, người bố Josh Marshall sẽ không làm điều... khó ai nghĩ tới là xăm đầu như vết mổ của con. Người cha không thương con sẽ không bao giờ lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm con bị bắt cóc. Ai bảo cha không thương yêu dịu dàng bằng mẹ? Câu chuyện của hai người cha trên đã chứng minh rằng, ở một góc nào đó cha cũng sẽ dịu dàng yêu con bằng những hành động nhỏ, âm thầm, sâu sắc.

Có thể ba bạn không thể hiện tình yêu một cách trực tiếp, không ân cần nhiều nhưng ba là trụ cột kinh tế, lo cho cả nhà với niềm tin con mình sẽ trưởng thành, tử tế từ đồng tiền lương thiện mà ông chắt chiu kiếm được mỗi ngày. Có thể, ba bạn không được báo nào đăng cả, vẫn âm thầm làm bản lề cho mái ấm, thì bạn phải là “phóng viên” ghi nhận tình cảm và sự vĩ đại ấy để đăng tải lên “trang sách” đời mình, và nhớ viết mỗi ngày...
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây